TÁC HẠI CỦA FOOCMON VÀ HAN THE TRONG MÓN ĂN THỰC PHẨM

TÁC HẠI CỦA FOOCMON VÀ HAN THE TRONG MÓN ĂN THỰC PHẨM

TÁC HẠI CỦA FOOCMON VÀ HAN THE TRONG MÓN ĂN THỰC PHẨM

08:36 - 11/05/2018

Có một thời, cuộc khủng hoảng “Foocmon trong bánh phở” đã làm cho giới “ghiền” món ẩm thực này lo lắng và mất hứng thú khi thưởng thức. Vậy Foocmon là gì? Hàn the là gì? Tác hại của chúng trên cơ thể người ra sao?

Foocmon là một chất hữu cơ rất độc, được sản xuất rộng rãi trong công nghiệp tên khoa học là Formaldehyd. Vì có tính sát trùng cao nên Foocmon được sử dụng để diệt khuẩn, đồng thời làm dung môi bảo vệ các tổ chức, các cơ quan nội tạng cơ thể, nên trong y học người ta thường dùng để ướp xác. Foocmon dễ dàng kết hợp với các protein (là thành phần chủ yếu trong thực phẩm) tạo thành những hợp chất bền, lâu bị phân hủy. Chính vì thế người ta lợi dụng tính chất này để bảo quản các loại thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên cơ thể người nếu tiếp xúc với Foocmon dù nhiều hay ít trong một thời gian dài đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng: nhẹ thì gây kích thích niêm mạc mắt, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng, còn nặng thì gây kích thích đường hô hấp trên, có thể bị ngạt thở nếu hít phải ở nồng độ 1/20.000 trong không khí, nếu tiếp xúc lâu dài hay với hàm lượng cao sẽ dẫn đến tử vong hay làm gia tăng tỷ lệ ung thư vòm hầu và ảnh hưởng đến thai nhi (nếu với người đang có thai).

Cùng với Foocmon, hàn the cũng là một chất hóa học có tên TribonatNatri, không màu, dễ tan trong nước, có tính sát khuẩn nhưng rất độc. Khi vào cơ thể chỉ đào thải khoảng chừng 80% còn lại sẽ tích tụ trong người vĩnh viễn, vì vậy nếu sử dụng hàn the ít trong một thời gian dài cũng nguy hiểm như dùng nhiều hàn the trong một lần. Triệu chứng dễ nhận biết là: rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi khó chịu. Với trẻ em sẽ gây suy dinh dưỡng chậm phát triển trí não. Ngoài ra hàn the còn làm tổn thương các tế bào gan, teo tinh hoàn và là một trong những tác nhân gây ung thư.

Mặc dù độc hại nhưng một số người do vô ý, thiếu hiểu biết hay cố tình vì lợi nhuận vẫn cho thêm hai hóa chất này vào các loại thực phẩm cần có độ giòn, độ dai, khó bảo quản như: bánh phở, hủ tiếu, nem, chả, dưa chua…

Để ngăn ngừa việc sử dụng ngày càng nhiều các độc chất trong thực phẩm hàng ngày, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất, các cơ quan chức năng với truyền thông đại chúng, bằng cách: giáo dục nâng cao trình độ hiểu biết trong dân nhằm bỏ thói quen dùng hóa chất trong thực phẩm hàng ngày; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất và có biện pháp mạnh đối với những trường hợp vi phạm.